Lịch sử Bà_Nà

Trước năm 1945

Vết tích một biệt thự Pháp cổ trên đỉnh Bà Nà

Năm 1901, Quan toàn quyền Đông Dương Paul Doumer muốn tìm một nơi tương tự như Đà Lạt để xây dựng khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, chữa bệnh cho các quan chức, binh lính và sĩ quan người Pháp. Nhiệm vụ được giao cho Debay, một Đại úy thủy quân lục chiến, trực tiếp chỉ huy tìm kiếm.

Nhận nhiệm vụ, Đại úy Debay phải mất nhiều tháng trời lang thang khắp Việt Nam để tìm cho ra một Đà Lạt thứ hai. Tháng 4/1901, ông phát hiện ra “Núi Chúa” (tức Bà Nà), một ngọn núi cao với địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu bán ôn đới dễ chịu mát mẻ, tương tự như Đà Lạt và chỉ cách thành phố Đà Nẵng về phía Tây chừng 46 km.

Nhận định đây là vùng đất lý tưởng có thể xây dựng khu nghỉ dưỡng theo ý muốn, ngày 30/11/1911, Quan toàn quyền Paul Doumer đã ra nghị định biến Bà Nà thành một khu bảo tồn lâm nghiệp để tiện cho việc nghiên cứu về Bà Nà được kỹ lưỡng hơn.

Từ ngôi lều chính người ta nhìn thấy đồng bằng Đà Nẵng đến tận chân các dãy núi và nhìn thấy đồng bằng Quảng Nam. Cao hơn cây rừng, ở các đỉnh 1.370, 1.376, 1.403; từ đó có cái nhìn toàn cảnh bao la, từ những phá ở Quảng Trị đến phá Quảng Ngãi và về hướng Tây, đến tận những rặng núi ở nguồn sông Sékông (Sông Kôn hiện nay) - Phần kết luận của Debay -[2]

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), người Pháp đẩy mạnh xây dựng khu nghỉ mát Bà Nà, hoàn tất con đường nối Bà Nà với đường thuộc địa số 1 (sau này là quốc lộ 1) trong năm 1919, tạo điều kiện dễ dàng cho những công sở, quan chức và kiều dân Pháp đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, kinh doanh ở Bà Nà. Tháng 5 năm 1919, luật sư Beisson trở thành người đầu tiên xây dựng nhà nghỉ ở Bà Nà. Tính đến 23/7/1921, tại Bà Nà đã có 39 lô đất được cấp phép xây dựng của 36 chủ đầu tư, phân bố trải đều theo cụm.

Có một đoạn văn cổ ghi lại rằng: “Phu kiệu kiệu khách từ chân núi lên đỉnh núi không vã mồ hôi”, thời gian đi từ chân lên đỉnh từ 5 – 6 tiếng đồng hồ, vào thời đó, các dịch vụ như khiêng, cáng kiệu, võng rất phát triển. Trên đỉnh núi hầu như có đầy đủ tất cả các dịch vụ: Khách sạn, nhà hàng, có rạp chiếu bóng, hầm rượu, sân tennis, bưu điện, bệnh viện, Nhà thờ... các công trình lớn nhỏ tiếp tục xây dựng mãi đến năm 1944 thì ngừng hẳn. Theo thống kê có khoảng 240 công trình nhà nghỉ được đánh giá rất hiện đại, sang trọng, đầy đủ tiện nghi ở thời đó được đưa vào sử dụng. Và Bà Nà khi đó được xem là một thị trấn nghỉ dưỡng rất quan trọng của quan chức, binh lính và kiều dân người Pháp ở Trung kỳ, có sức thu hút du khách khắp cả Đông Dương.

Thống kê của Pháp năm 1925 cho biết, chỉ có chừng 120 du khách chọn Bà Nà để nghỉ ngơi. Năm 1928, đường lên đỉnh núi được hoàn tất, số du khách mới tăng dần, đến năm 1937 đã đạt được con số hơn 1.000 người, phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt. Các dịch vụ như điện, nước, bệnh viện, bưu điện, ngân hàng, khách sạn... đã được đưa vào phục vụ du khách. Bà Nà dần trở thành một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng không chỉ ở Trung Kỳ mà ở toàn khu vực Đông Dương.

Năm 1938, Bà Nà đã được Phòng Du lịch Đông Dương đưa vào tour du lịch 8 ngày bằng xe hơi tuyến Sài Gòn - Đà Lạt - Nha Trang - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Huế - Vinh - Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại. Kiệu ghế được xem là một phương tiện di chuyển đầy lý thú và rất điển hình cho du lịch Bà Nà xưa với lượng du khách ngang với những khu nghỉ mát thời đó như Le Bockor (Campuchia), Mũi Saint Jacques (Vũng Tàu), Tam Đảo, Sapa

Sau năm 1945

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bà Nà dần vắng bóng người. Khi Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2, nhân dân địa phương thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến nên đã triệt hạ các công trình xây dựng ở Bà Nà. Từ đấy, khu nghỉ mát hoang phế dần và bị cây rừng che phủ trong quên lãng gần nửa thế kỷ.

Đến giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, quân đội Mỹ chọn đỉnh núi Bà Nà làm nơi quan sát quân sự. Để tạo hành lang an toàn cho đồn bốt, tất cả các công trình còn lại từ thời Pháp bị phá hủy dưới các nòng súng tầm xa của họ.

Tới giai đoạn 1975, hòa bình lập lại, những người dân khó khăn quanh vùng làm lâm nghiệp men theo đường mòn lên núi Bà Nà tìm kiếm một số đồ đạc còn sót lại từ các tàn tích trên núi… về phục vụ mục đích sử dụng cá nhân. Giai đoạn này, chẳng còn ai nhớ đến Bà Nà nữa.

Sau năm 1975

Vào ngày 30/11/1997, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định xây dựng lại Bà Nà thành một khu du lịch sinh thái có quy mô lớn với hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khu bảo tồn... Một con đường huyết mạch từ chân núi lên tới đỉnh núi dài 15 km được trải nhựa, tạo thuận lợi cho việc chuyên chở vật liệu lên xây dựng cơ sở vật chất trên đỉnh núi.

Sau năm 2000, thị trấn du lịch Bà Nà đã được đánh thức. Các doanh nhân Đà Nẵng cùng với chính quyền thành phố đã xây dựng Bà Nà thành khu lịch du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng với nhiều cơ sở dịch vụ được đưa vào khai thác. Bà Nà nhanh chóng lấy lại ngôi vị của một trong những khu du lịch nổi tiếng nhất thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, ngôi vị ấy được duy trì không lâu. Do tính chất nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ của các công trình, dịch vụ ở Bà Nà khi đó, cộng với cách quản lí thiếu chuyên nghiệp, khu lịch du lịch sinh thái đã không thực sự thu hút và đáp ứng được nhu cầu đa dạng và phong phú về du lịch, vui chơi, nghỉ ngơi… của du khách thập phương. Chỉ một thời gian ngắn sau khi được xây dựng lại, du khách thưa dần, Bà Nà lại chìm trong quên lãng.

Năm 2007, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định chuyển giao toàn bộ khu du lịch Bà Nà cho Tập đoàn Sun Group - Việt Nam quản lý. Nhằm phục vụ nhu cầu du lịch khám phá, nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh của đông đảo du khách, Công ty Cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà đã đầu tư xây dựng tuyến cáp treo Bà Nà - Suối Mơ và chính thức khai thác tuyến cáp treo này vào ngày 25/3/2009 sau 12 tháng thi công và 2 tháng chuẩn bị. Đây là tuyến cáp treo hiện đại bậc nhất thế giới tại thời điểm ấy được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Tiếp đó, nhiều công trình mới được xây dựng, gia tăng trải nghiệm vui chơi tham quan cho du khách tới Bà Nà, nổi bật như khu vui chơi giải trí trong nhà rộng 21.000m2 Fantasy Park; tuyến cáp treo bốn kỷ lục thế giới L’Indochine – Thác Tóc Tiên; Tàu hỏa leo núi; Làng Pháp... đáp ứng nhu cầu tham quan và lưu trú của du khách trong và ngoài nước.

Năm 2017, thêm 2 tuyến cáp treo Hội An – Marseille và Bordeaux – Louvre tiếp tục được đưa vào hoạt động. Cũng trong năm này, Bà Nà Hills Mountain Resort chính thức trở thành thành viên của Tập đoàn Sun World, với tên gọi Sun World Ba Na Hills, cùng với Sun World Danang Wonders (Đà Nẵng), Sun World Halong Complex (Hạ Long, Quảng Ninh), Sun World Fansipan Legend (Sa Pa, Lào Cai), Sun World Hon Thom Nature Park (An Thới, Phu Quoc).

Tháng 6/2018, tại Bà Nà có thêm công trình Cầu Vàng - sớm nổi danh trên thế giới nhờ các bài đánh giá trên các tạp chí hàng đầu như: New York Times, Forbes, CNN,...

Năm 2019 & 2020, Bà Nà Hills sẽ đưa vào hoạt động tiếp 2 tuyến cáp treo mới, lâu đài phép thuật, khách sạn M Gallery & Cầu Bạc.